Rất nhiều bậc cha mẹ cứ băn khoăn không biết tại sao mình nuôi con vất vả thế. Tháng nào con cũng ốm mặc dù đã đi khám ở nhiều nơi, xét nghiệm đủ kiểu, uống khá nhiều thuốc. Đặc biệt khi giao mùa, thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trên thực tế, tất cả những vấn đề này đều bắt nguồn từ một nguyên nhân: trẻ chưa được xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, vững chắc đầu đời. Ở trẻ em, khoảng thời gian 5 năm đầu tiên (đặc biệt là 2 năm tính từ sau khi trẻ chào đời) là khoảng thời gian vàng để tăng cường hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, trẻ sẽ ít mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, và nếu mắc bệnh trẻ cũng chóng khỏi bệnh hơn. Hãy tìm hiểu ngay 6 cách tăng cường miễn dịch cho bé sau đây.
1. Cho trẻ bú mẹ
Sau khi chào đời, trẻ nhận được một lượng kháng thể từ mẹ qua sữa, gọi là “miễn dịch thụ động”. Trong sữa còn có chứa lactoferin được kết hợp với nguyên tố sắt sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn, gây cản trở trong sự trao đổi chất của vi khuẩn và đóng vai trò như một chất kháng khuẩn hiệu quả giúp phòng ngừa hiện tượng nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Như vậy, trong giai đoạn đầu tiên, khi hệ miễn dịch của bản thân còn non nớt, trẻ rất cần đến lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ. Đây cũng là lý do Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục duy trì sữa mẹ kèm theo chế độ ăn dặm cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
2. Tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa
70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường tiêu hóa. Do đó, chăm sóc tốt hệ tiêu hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Có nhiều cách để mẹ bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chẳng hạn như không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, vì dễ làm tổn thương hệ tiêu hóa còn non nớt. Ngoài ra, cách căn bản để chăm sóc tốt hệ tiêu hóa là bổ sung cho trẻ những dưỡng chất hữu ích cho việc nuôi dưỡng lợi khuẩn trong đường tiêu hóa.
Mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua lên men tự nhiên thường xuyên để hỗ trợ xây dựng hệ vi khuẩn có lợi trong ruột. Mẹ cũng nên cho trẻ ăn đa dạng rau củ, trái cây. Khi con bắt đầu ăn dặm, hãy cho trẻ ăn những thực phẩm nguyên chất hoặc các loại thực phẩm nguyên chất được nghiền nhuyễn gồm các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc. Các loại trái cây như chuối, táo, thanh long, đu đủ, măng tây rất giàu prebiotic, giúp ích cho đường ruột của bé.
Khi có được sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại, hệ tiêu hóa của con bạn sẽ khỏe mạnh, được chuẩn bị kỹ hơn để chống lại những bệnh tật có thể xảy ra.
3. Cho bé ăn hợp lí
- Bổ sung đầy đủ protein: Trong thực đơn hàng ngày của trẻ nên có sữa, trứng, cá thịt và đậu nành. Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng sữa chua, acid lactic có trong sữa chua có thể làm tăng men vi sinh đường ruột giúp phòng chống tiêu chảy. Trẻ từ 2 đến 3 tuổi có thể bổ sung trứng, cá, thực phẩm từ thịt…
- Bổ sung kẽm: Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân khiến suy giảm hệ miễn dịch, chán ăn và còn hạn chế sự phát triển trí não. Kẽm được chứa nhiều trong hải sản, thịt đỏ hoặc quả hồ đào.
- Tránh đồ ăn chứa nhiều đường: Thực phẩm chứa nhiều đường là nguyên nhân gây ra cảm giác không ngon miệng ở trẻ. Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao sẽ khiến dạ dày bị yếu, làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Đường có tác dụng giúp lợi tiểu, vì vậy nó sẽ gây ra triệu chứng khô miệng và có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu cho trẻ thường xuyên dùng thực phẩm chứa nhiều đường sẽ làm tăng sự hấp thụ của canxi và vitamin B1, vì vậy trẻ thường ra nhiều mồ hôi và dễ bị cảm lạnh.
4. Hạn chế thuốc kháng sinh
Sử dụng kháng sinh dễ dẫn đến việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa kém đi và kết quả là thể trạng của trẻ không thể được cải thiện, lại càng dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, mẹ cần ghi nhớ chỉ sử dụng kháng sinh khi thật cần thiết và theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp phải dùng kháng sinh cho trẻ, nên cho trẻ ăn sữa chua, bổ sung men tiêu hóa, các vi chất dinh dưỡng quan trọng, các vitamin, axit amin thiết yếu để trẻ mau chóng bình phục sau ốm và xây dựng lại hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng.
5.Cho trẻ ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ. Thông thường, thời gian ngủ ở trẻ cần phải căn cứ vào độ tuổi. Cụ thể là như sau:
Trẻ sơ sinh ngủ từ 18 đến 22 giờ mỗi ngày.
Trẻ từ 2 đến 5 tháng ngủ khoảng từ 15 đến 18 giờ mỗi ngày.
Trẻ từ 6 đến 12 tháng cần ngủ khoảng từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày.
Trẻ từ 12 đến 36 tháng ngủ khoảng 10 đến 12 giờ mỗi ngày.
Để đảm bảo chất lượng của giấc ngủ, đối với trẻ sơ sinh, không gian ngủ cần yên tĩnh, nhiệt độ và độ ẩm phải phù hợp. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ít bú sữa mẹ hơn nên tránh ôm trẻ khi ngủ, tránh cho trẻ ngậm núm vú và giảm tần suất ăn đêm.
Đối với trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi, tần suất cho trẻ ăn đêm không nên quá 2 lần, không nên thêm thức ăn bổ sung vào ban đêm để tránh kích thích tiêu hóa trong giấc ngủ.
6. Massage cho bé giúp tăng cường hệ miễn dịch
Các nghiên cứu cho thấy những trẻ được cha mẹ mát-xa thường xuyên sẽ ít mắc bệnh và ít khóc hơn. Ngoài tác dụng thư giãn, mát-xa còn giúp cả thiện hệ tuần hoàn, kích thích hệ miễn dịch, luân chuyển bạch huyết đi khắp cơ thể nhằm loại bỏ những độc tố gây hại. Mát-xa còn có tác dụng làm giảm đau và giảm triệu chứng của một số bệnh thường gặp. Ngoài ra, Massage còn là một trong nhiều cách giúp xây dựng thêm tình cảm giữa mẹ và con. Qua cách trò chuyện âu yếm giữa chúng ta với trẻ, bé sẽ có thêm cơ hội để tích lũy vốn từ vựng được nhiều hơn.
Trước khi thực hiện việc này, người massage cho bé nên vệ sinh tay sạch sẽ, cắt móng tay ngắn để tránh tổn hại làn da mỏng manh của bé. Đặt bé nằm ngửa trên giường, sau đó khởi động việc massage bằng cách lăn nhẹ hai cánh tay bé, dùng đầu ngón tay xoáy hình vòng tròn nhỏ hai bên má, cằm bé, xoa bóp nhẹ hai bắp chân và các nơi khác trên cơ thể.
7. Tạo môi trường an toàn cho bé vận động
Giáo sư David Nieman, trường Đại học Appalachian của Mỹ cho biết, vận động đều đặn hàng ngày hoặc gần như hàng ngày có tác dụng tích lũy dẫn đến gia tăng những đáp ứng miễn dịch dài hạn. Trong khi vận động, tế bào miễn dịch di chuyển nhanh hơn và khả năng đối kháng với vi trùng cũng tốt hơn. Sau khi vận động, hệ miễn dịch thường trở lại tình trạng bình thường trong vòng vài giờ.
Khi thấy các bé hiếu động, thay vì than phiền “sao con mình nghịch thế?”, bố mẹ nên tạo cho bé một không gian an toàn, phù hợp để bé tự do vui chơi vì đây là một phương pháp “tập thể dục” rất hiệu quả, mang lại cho bé một sức khỏe tốt.
Trong quá trình vận động, bé sẽ tiếp xúc với những loại bụi mới và các tác nhân gây dị ứng mới, cơ thể bé sẽ tự phản ứng, hệ miễn dịch sẽ phát triển, loại bỏ vi khuẩn gây hại ra khỏi cơ thể, từ đó tăng cường khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể.
Khi được vui chơi thỏa thích, bé được thư giãn, các bạn sẽ nhận thấy bé vui vẻ hơn, đó là yếu tố quan trọng giúp hệ miễn dịch của bé khỏe mạnh mỗi ngày.
Xem thêm : Những thức ăn tăng cường hệ miễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét